Tình người giữa hai chiến tuyến - Dân Làm Báo

Tình người giữa hai chiến tuyến

Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - "Vào năm 1915, khi Ý tiến hành chiến tranh chống lại Áo-Hung, thi sĩ Eugenio Montale là sĩ quan trong quân đội Ý. Ngày nọ, trung đoàn ông bắt được viên sĩ quan trẻ người Áo. Khi lục soát người tù binh, họ thấy tập thơ Rilke trong túi. Montale đến nói chuyện với anh: Rilke? Trong túi người lính? Ở ngoài mặt trận? Họ bắt đầu trò chuyện, nói về thơ, nhạc và opera, rồi nhận thức cả hai đều có chung nhau mọi thứ ngoại trừ quân phục họ mặc. Vài ngày sau, Montale đi nghỉ phép ở Milan. Ông có hai vé xem opera ở nhà hát La Scala và chợt nghĩ đến viên sĩ quan trẻ địch quân có lẽ thích đi xem với ông. Ông xin phép chỉ huy trưởng trại tù binh. Chuyện tưởng như điên rồ, tuy nhiên sau khi hết ngạc nhiên, chỉ huy trưởng trại có ý hay: "Tôi cho phép anh đưa người tù đi," ông nói với Montale, "với điều kiện anh ta giữ lời hứa danh dự của người sĩ quan là không lợi dụng chuyện này mà bỏ trốn!" Viên sĩ quan Áo hứa, đêm ấy xem hát ở La Scala và rồi, chẳng phàn nàn hay phiền muộn, cùng đi với Montale về đến cổng trại tù." (1)

"Ngay cả vào những ngày đen tối nhất của cuộc chiến đôi khi chúng ta có thể thoáng thấy niềm hy vọng mà chúng ta thấy ngay bây giờ. Tôi đang nghĩ về một câu chuyện đặc biệt-chuyện về người mẹ và người con nhỏ sống lẻ loi trong mái nhà tranh nhỏ ở giữa rừng. Tối nọ khi trận Bulge bùng nổ cách đấy không xa lắm, ba người lính Mỹ trẻ đến trước cửa nhà họ-đứng trong tuyết lạnh, lạc đường phía sau phòng tuyến kẻ thù. Cả ba đều lạnh cóng; một người bị thương nặng. Dù biết chấp chứa quân thù là có thể bị án tử, nhưng bà vẫn đưa họ vào nhà và với bao thực phẩm cuối cùng còn lại bà nấu bữa ăn tối cho họ.

Và rồi họ nghe tiếng gõ cửa. Lần này bốn người lính Đức đứng ở đấy. Bà hoảng sợ, nhưng bà nói nhanh với giọng cứng rắn, "Không được bắn ở đây." Bà khiến tất cả những người lính bỏ vũ khí xuống và tất cả đều cùng nhau dùng chung bữa ăn tạm. Heinz và Willi hóa ra lúc ấy mới 16 tuổi. Viên hạ sĩ lớn tuổi nhất mới 23. Lòng nghi ngờ của họ tan biến trong cảnh ấm cúng và bình an dưới mái nhà tranh. Một trong những người Đức này, cựu sinh viên y khoa, đã băng bó cho người Mỹ bị thương.

Bây giờ, ta hãy lắng nghe hết câu chuyện qua đôi mắt của một người có mặt ở đấy, giờ đây là người lớn, lúc ấy còn là đứa trẻ con của bà. Ông kể, "Rồi Mẹ đọc lời cầu nguyện. Tôi nhận thấy có những giọt nước mắt trong mắt mẹ khi mẹ đọc những lời đã thân thuộc từ lâu, "Cầu mong Đức Chúa Jesus là khách của chúng con". Và tôi nhìn quanh bàn, tôi cũng thấy những giọt nước mắt trong mắt của những người lính mệt mỏi vì chiến trận, họ trở lại là những người con, kẻ từ Đức, người từ Mỹ, tất cả đều xa gia đình."

Tối hôm ấy, khi giông tố chiến tranh làm thế giới quay cuồng, giữa họ đã có cuộc đình chiến riêng tư. Sáng hôm sau viên hạ sĩ Đức chỉ cho những người Mỹ cách trở lại phía sau phòng tuyến của họ. Tất cả người lính đều bắt tay nhau và rồi đường ai nấy đi. Chuyện này diễn ra vào ngày Giáng Sinh cách đây 40 năm." (2)

Nguồn:

(1) Trích dịch từ bài viết bản tiếng Anh tựa đề "The weight of the past" của tác giả Marcel Cohen đăng trong tạp chí Eurozine ngày 1/3/2016. Nguyên tác tiếng Pháp, bản dịch Anh ngữ của Mike Routledge.

(2) Trích dịch từ bài diễn văn của Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan ở căn cứ không quân Mỹ ở Bitburg sau khi thăm nghĩa trang quân đội Đức. Bài diễn văn được đăng trên báo New York Times ngày 6/5/1985.

27/5/2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo