Chiến sĩ văn hóa - Dân Làm Báo

Chiến sĩ văn hóa

Đỗ Hồng (Danlambao) - Theo triết gia Albert Camus, nếu không có văn hóa và tự do tương đối mà văn hóa bao hàm, xã hội, cho dù khi hoàn hảo, cũng chỉ là một vùng rừng rú (without culture, and the relative freedom it implies, society, even when perfect, is but a jungle).

Xã hội Việt Nam dưới thời cộng sản sau năm 1975 không còn có những quyền tự do căn bản nhất của con người và văn hóa thì nghèo nàn hay không muốn nói là suy đồi. Tuy chưa đến đỗi vô văn hóa, nhưng xã hội này dường như đã trở thành một vùng rừng rú suốt hơn 42 năm qua?

Văn hóa được thể hiện dưới nhiều hình thái, chẳng hạn như ngôn ngữ, nếp sống, âm nhạc… Ngôn ngữ cộng sản có rất nhiều từ ngữ sai nghĩa, tối nghĩa ngây ngô, và lệ thuộc Tàu. Có lẽ phải mất vài thế hệ để điều chỉnh lại. Trong khi đó, nếp sống của người dân và giai cấp thống trị rất cách biệt và có vẻ không bình thường, hay chạy theo khuynh hướng “phồn vinh giả tạo”. Còn âm nhạc là thứ ngôn ngữ không biên giới lại quá nghèo nàn với những sáng tác có tính cách cưỡng âm (cố ghép lời ca có những âm sắc riêng vào những note nhạc không thích hợp) và lời nhạc hiếm khi là thơ mà nhiều lúc thô thiển như đang nói chuyện, đó là chưa kể đến những note nhạc luyến láy không cảm nổi. Do vậy, hầu hết nhạc được sáng tác hiện nay trong nước không có giá trị lâu dài như những bản nhạc ở miền Nam trước năm 1975 đi sâu vào lòng người.

Phải chăng chính vì vậy mà trong vòng 2 năm trở lại đây, trong nước đã dấy lên phong trào “boléro” mà các xướng ngôn viên ngọng nghịu của miền Bắc gọi là “bô-nê-dzô”, và phong trào tránh dùng những ngôn ngữ cộng sản?

Phong trào này xuất phát từ miền Nam, nơi đã bị đánh mất nền văn hóa tuyệt vời với những bản nhạc bất hủ, sống mãi với thời gian và cả không gian.

Ngày nay tại VN, những bản nhạc boléro của thời VNCH, kể cả những bản nhạc lính, có thể bị ngăn cấm, vẫn ở trên đầu môi của rất nhiều người trẻ ở cả ba miền Nam Trung Bắc. Thậm chí, có những nhạc sĩ miền Bắc đã công kích cho rằng thể nhạc này là một loại thấp hèn nên đã đưa đến cuộc tranh luận khá sôi nổi giữa những người chủ trương gây lại phong trào nhạc boléro và các nhạc sĩ đó.

Không phải vô tình mà một số người trong nước muốn gây lại phong trào nhạc boléro và tránh dùng những từ ngữ của cộng sản. Có thể họ đang chủ trương phục hưng nền văn hóa miền Nam trước năm 1975? Nếu vậy, họ đúng là những chiến sĩ văn hóa trong lòng địch.

Dẫn chứng về những gì các chiến sĩ văn hóa này thực hiện cho phong trào đó là điều khá nguy hiểm cho họ. Cho nên việc mà người trong nước có thể làm là cổ xúy, khuyến khích và nếu có điều kiện thì tham gia với họ.

Không có bạo lực nào có thể ngăn cấm được hình thức truyền khẩu nhân gian. Và cũng không có nền văn hóa nào từng đi sâu vào lòng người có thể bị mai một.

23/11/2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo